Bút danh: Khương Duy
Sinh năm: 1950
Điện thoại: 0989.153.534
Quê quán: Yên Hòa, Yên Mô, Ninh Bình
Nơi ở: Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội
Hội viên thi đàn Việt Nam
Hội viên CLB thơ đường Hà Nội
PHẠM VĂN TỐN – NGƯỜI THAO THỨC VỚI TRUYỆN KIỀU
Chúng ta đang cầm trên tay cuốn sách rất đặc biệt, cuốn sách được hình thành từ một ý tưởng táo bạo, xuất thần của một thi sĩ tài hoa và tràn đầy tâm huyết với những giá trị văn hoá nghệ thuật của dân tộc. Ông là nhà thơ Phạm Văn Tốn, tác giả của rất nhiều tập thơ xuất sắc đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in trong nhiều năm qua. Ở lần xuất hiện đặc biệt này, Phạm Văn Tốn đã làm khác mình theo đúng nghĩa “nghệ thuật là sự khác biệt”, thi nhân đã chuyển thể Truyện Kiều từ thể thơ lục bát truyền thống sang thể thơ đường luật và thất ngôn. Nếu không cầm cuốn sách trên tay thì thật khó hình dung được 3254 câu Kiều đồ sộ với biết bao tình tiết, cảnh huống, nhân vật, bao nhiêu chiều sâu của văn hoá, nghệ thuật, thế sự, thời đại… lại có thể được chuyển tải sang thơ đường và thất ngôn một cách uyển chuyển, cô đọng và trác tuyệt đến vậy. Giống như một giấc mơ có thật, Phạm Văn Tốn là thi sĩ đầu tiên làm được điều này.
Hơn 200 năm đã qua đi kể từ khi Truyện Kiều xuất hiện thì đây vẫn được xem là một tác phẩm văn học kinh điển nhất của nền văn học Việt Nam. Đã có rất nhiều hình thức nghệ thuật chọn chuyển thể Truyện Kiều như điện ảnh, múa, hội hoạ, âm nhạc… nhưng chuyển thể thơ thì tuyệt nhiên chưa có ai làm. Để làm được điều này trước hết bắt nguồn từ niềm yêu mến, kính ngưỡng của nhà thơ Phạm Văn Tốn đối với đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Nếu như không yêu, không mộ thì chắc chắn sẽ không thể làm được điều tưởng như là “không tưởng” này. Và sau đó chúng ta phải nói đến và ghi nhận sự tài hoa như thể “trời cho” này để nhà thơ Phạm Văn Tốn có thể đi được từng bước vững chãi, tỏ tường và thăng hoa với những câu Kiều vốn chứa nhiều điển cố, điển tích như thể nhà thơ đã có được chiếc chìa khoá vạn năng để mở ra kho tàng tri thức và nghệ thuật của tác phẩm kinh điển này.
Nhà thơ Phạm Văn Tốn đã nắm bắt, thấu hiểu và cảm nhận từng câu Kiều một cách sâu sắc như thể ông đã ngụp lặn, đắm mình vào trong tác phẩm kinh điển ấy để tìm ra sự cốt yếu của tư tưởng và tinh hoa của tác phẩm. Và thêm một yếu tố nữa, chắc chắn rồi, Phạm Văn Tốn là một bậc cao tay trong địa hạt thơ đường và thơ thất ngôn. Đặc biệt là thơ đường, thể thơ đầy uyên bác và minh triết này vốn thách thức người làm thơ đương đại hôm nay rất nhiều, vậy mà nhà thơ Phạm Văn Tốn lại “cả gan” chuyển thể từ lục bát sang thơ đường thì quả là điều khiến ngay cả những người thực hiện khâu biên tập như chúng tôi cũng không tránh khỏi sự ngỡ ngàng, thán phục.
Quả thực tôi không khỏi hồi hộp khi bắt đầu đọc những dòng thơ đầu tiên do nhà thơ Phạm Văn Tốn chuyển thể. Vốn đã nằm lòng những câu Kiều của Nguyễn Du từ thuở biết đọc mà nay lại được đọc Truyện Kiều dưới một hình thức khác lòng tôi không khỏi háo hức. Và ý nghĩ đầu tiên xẹt qua trong tôi lúc này là sự biết ơn – biết ơn nhà thơ Phạm Văn Tốn đã một lần nữa cho tôi sống lại với tác phẩm đồ sộ, niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Ngay bài thơ đầu tiên nhà thơ đã thực sự thuyết phục tôi và những người được đọc.
GIA CẢNH
Nhà họ Vương gia cảnh thực là
Bình thường nhưng vẫn vọng vang xa
Trời cho chỉ một con trai thứ
Đời tặng liền hai ả tố nga
Cuộc sống bậc trung nên giản dị
Ăn tiêu chừng mực chẳng xa hoa
Một vùng nổi tiếng ông Viên ngoại
Tâm huyết việc chung, giỏi việc nhà.
Có thể nói, chuyển thể là một công việc rất khó. Người chuyển thể phải làm sao giữ được ý của tác phẩm gốc mà lại đem đến được cho bạn đọc một cách tiếp cận mới đối với tác phẩm gốc. Ở đây Phạm Văn Tốn đã làm được điều này một cách chỉn chu, tinh tế; vừa chuyển tải hết ý chính từ thơ cụ Nguyễn lại vừa mang đến sự gần gũi cho người đọc hôm nay; bên cạnh đó, Phạm Văn Tốn cũng lắng đọng lại cảm xúc và ý tưởng của tiền nhân bằng cách thâu gọn lại nội dung vì thế mà cho người đọc cảm giác dễ đọc, dễ nhớ và dễ hình dung. Nếu cứ theo các bản của Truyện Kiều sẽ có rất nhiều câu, nhiều chữ phải chú thích thì người đọc mới hiểu hết nghĩa. Ở đây nhà thơ Phạm Văn Tốn đã làm rất tốt việc chuyển thể, đó là làm cho Truyện Kiều trở nên dễ hiểu hơn mà đỡ được rất nhiều chú thích, dẫn giải. Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm sang loại hình nghệ thuật khác hay hình thức khác nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung của tác phẩm gốc. Ở đây, với tác phẩm Thơ chuyển thể Truyện Kiều thì nhà thơ Phạm Văn Tốn đã rất thành công, cả về mặt nội dung và nghệ thuật.
Trong tác phẩm Thơ chuyển thể Truyện Kiều chúng ta gặp được những bài thơ phải nói là diễm lệ và tuyệt tác:
KIM TRỌNG XUỐNG NGỰA TỰ TÌNH
Xuống ngựa chàng Kim tới tự tình
Hài văn lần bước dặm đường xanh
Hai Kiều nhỏ nhẹ chào e lệ
Khách cũng ân cần giọng đáp thanh
Giải cấu tương phùng tâm sự thật
Đối thơ câu chữ ý chân thành
Tay cương xua ngựa bao lời hẹn
Mắt ngọc dõi theo cứ lặng thinh.
Ở trích đoạn Kiều gặp Kim Trọng, sau phút giây “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, lúc phải chia tay nhau Nguyễn Du viết: Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa người còn nghé theo. Khi chuyển thể, nhà thơ Phạm Văn Tốn đã ngẫu hứng đem đến một chi tiết rất đắt giá: Tay cương xua ngựa bao lời hẹn/ Mắt ngọc dõi theo cứ lặng thinh. Thực tế trong Truyện Kiều không có câu thơ nào nhắc đến lời hẹn của đôi bên, tuy nhiên, cứ theo như diễn biến của buổi gặp thì chắc hẳn ai cũng hiểu rằng Kiều và Kim Trọng thầm mong gặp lại nhau đến chừng nào. Như đồng vọng được tiếng lòng ấy, nhà thơ Phạm Văn Tốn đã viết Tay cương xua ngựa bao lời hẹn. Cái tài của thi nhân ở đây là tả hành động ra về của Kim Trọng nhưng đồng thời cũng nói lên được tiếng lòng của những kẻ đang yêu. Chuyển thể chính là nắm bắt được sự đồng vọng của quá khứ, sự đồng điệu của nhân vật trong tác phẩm. Những câu thơ chuyển thể vì thế mà trở nên giá trị và được ghi nhận, tôn vinh.
Ở một mặt khác, chuyển thể cũng chính là đem đến một làn gió mới, một cách tiếp cận mới cho tác phẩm gốc. Sự làm mới ấy là để thể hiện cái nhìn, “nhãn quan” của người viết hôm nay đối với câu chuyện của tiền nhân khi xưa. Sẽ không có gì đáng nói nếu như người chuyển thể không thể hiện được cá tính của mình, giọng điệu của mình trong tác phẩm chuyển thể. Bởi bên cạnh việc giữ được ý tứ, nội dung của tác phẩm gốc thì phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người chuyển thể. Tài năng của nhà thơ Phạm Văn Tốn chính là ông đã kể câu chuyện của nàng Kiều theo một cách khác mà không làm mất đi giá trị nội dung và giá trị tư tưởng của Truyện Kiều.
ĐÊM TRAO DUYÊN
2
Cùng nhà đứt ruột mẹ cha sinh
Sao để chị oan có một mình
Cứ hở lời ra là đã thẹn
Nếu mà im tiếng chẳng phân minh
Nỗi riêng đương mắc còn đang rối
Vẫn vướng tơ duyên chẳng thể xong
Kiều lạy Thúy Vân rồi chắp mối
Se duyên em nhớ phải bằng lòng.
Nhà thơ của chúng ta như người rẽ lòng nhân vật để người đọc thấu hiểu sâu sắc hơn nỗi niềm éo le ấy. Qua đoạn thơ trên bạn đọc hình dung được rõ hơn tính cách và số phận của hai chị em Thuý Kiều – Thuý Vân.
Tiêu biểu cho ý tưởng của nhà thơ Phạm Văn Tốn trong việc làm mới Truyện Kiều phải kể đến trích đoạn Kiều mơ gặp Đạm Tiên khi được vớt lên ở trên sông Tiền Đường:
Trong giấc mơ nàng cứ dạ thưa
Đạm Tiên như thoắt gọi người xưa
Rằng: Tôi đã có lòng chờ đợi
Mà lúc này đây tôi vẫn thừa.
Trong bản gốc Nguyễn Du viết lời Đạm Tiên nói với Kiều: Rằng: Tôi đã có lòng chờ/ Mất công mười mấy năm thừa ở đây. Tuy nhiên nhà thơ Phạm Văn Tốn đã viết Mà lúc này đây tôi vẫn thừa. Thi hào Nguyễn Du nói đến “mười mấy năm thừa” để hàm ý chỉ quãng thời gian lưu lạc của Kiều, tuy nhiên với độ lùi hơn 200 năm, khi mà hầu hết chúng ta đều biết chính xác mười lăm năm lưu lạc của Kiều rồi, thế thì cách viết của nhà thơ Phạm Văn Tốn lại là một điều xác đáng và đắt giá. Cách viết của thi sĩ vừa cho thấy được sự đợi chờ đằng đẵng của Đạm Tiên cũng chính là thời gian long đong chìm nổi dằng dặc của Thuý Kiều, lại vừa ngầm ý thông báo rằng cảnh đoạn trường của Kiều từ đây sẽ chấm dứt, “lời rằng bạc mệnh” sẽ không còn là “lời chung” của Kiều và Đạm Tiên nữa. Nương theo ý của tiền nhân để gợi dẫn đến một ý tưởng đa nghĩa, đa chiều hơn, điều này làm cho Thơ chuyển thể Truyện Kiều trở nên tầm vóc và gợi mở nhiều suy ngẫm. Sự kết hợp của thơ đường luật và thơ thất ngôn đã làm cho thi tập này trở nên sinh động, mới mẻ. Người đọc không cảm thấy nhàm chán bởi mỗi bài thơ được kể theo một cách duyên dáng, ấn tượng và cả sự đột phá bất ngờ. Thơ đường thì làm cho tác phẩm trở nên cô đọng trong xúc cảm, cân đối hài hoà trong bố cục cũng như làm nổi bật những cặp phạm trù như:
Mận đào sớm tối mà không dứt
Hoa nguyệt đêm khuya cũng chẳng buông
Chúc rượu, nối thơ câu chữ đẹp
Xướng ca, đàn họa lời yêu thương
Còn những câu thơ thất ngôn lại đem đến sự uyển chuyển, nhịp nhàng, nhưng cũng đầy chất chứa:
Trăng ở sân thu đã đứng đầu
Quan phòng canh chặt, chốt cài mau
Nâu sồng ắt dập tình duyên ấy
Chắc sẽ không còn gặp được nhau.
Với một tác phẩm độ sộ, kinh điển như Truyện Kiều và một thi tập chuyển thể đầy thách thức nhưng cũng rất đáng lấy làm tự hào như Thơ chuyển thể Truyện Kiều thì những lời giới thiệu chỉ góp một phần rất nhỏ bé nhằm tỏ bày tấm lòng ngưỡng mộ với đại thi hào Nguyễn Du – người sống ở hai thể kỷ trước nhưng lại thuộc về sự vĩnh cửu của thời gian, và thi sĩ Phạm Văn Tốn – người của đương thời hôm nay, ông đã góp phần lan toả giá trị lớn lao của Truyện Kiều bằng những đêm dài thao thức, bằng trí tuệ, cảm xúc và lao động nghệ thuật hăng say không mệt mỏi. Như tằm vàng rút ruột nhả những sợi tơ óng cho đời, sau khi tập thơ hoàn thành một cách chỉn chu, trọn vẹn, nhà thơ Phạm Văn Tốn có những lời tâm sự hết sức khiêm cung:
ĐÔI LỜI CỦA TÁC GIẢ
Mười lăm năm ấy, bấy nhiêu niên
Chìm nổi phong trần chẳng được yên
Tái hợp tình xưa, niềm hạnh phúc
Sum vầy người cũ, cảnh đoàn viên
Mê thơ Cụ Nguyễn say sưa đọc
Thích thú Truyện Kiều mải miết xem
Chuyển thể tập thơ làm kỷ niệm
Mong rằng độc giả góp vui thêm.
Chúng ta không thể không nhắc đến câu thơ cuối cùng trong Truyện Kiều, đại thi hào của chúng ta đã viết: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Một sự khiêm tốn của bậc tài danh đã khiến chúng ta muôn phần cúi đầu kính trọng. Thế nên câu thơ của ông sau hơn 200 năm đã vận vào chính cuộc đời ông: Thác là thể phách còn là tinh anh. Đối với nhà thơ Phạm Văn Tốn, như ở phần đầu bài viết này đã nói kỹ về giá trị của việc chuyển thể Truyện Kiều. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh thêm rằng, đằng sau câu chuyện chuyển thể thơ bằng tài hoa và nhiệt huyết thì việc chuyển thể còn đặt ra vấn đề: người hôm nay đã tri nhận giá trị văn hoá, nghệ thuật của Truyện Kiều như thế nào và rút ra được bài học, ý nghĩa gì trong đời sống hôm nay? Đây là điều mà tôi dành sự trân trọng lớn đối với thi sĩ họ Phạm. Toàn bộ tập thơ đã khiến người đọc suy ngẫm rất nhiều. Ông đã khiến chúng ta phải soi vào quá khứ để hiểu hơn giá trị của con người, giá trị của tình yêu, tình người hôm nay.
Mặc dù mang ý nghĩa lớn lao là vậy nhưng nhà thơ Phạm Văn Tốn cũng chọn cho mình một cái kết rất đỗi giản dị, khiêm nhường: Chuyển thể tập thơ làm kỷ niệm/ Mong rằng độc giả góp vui thêm. Vậy là ông cũng đã thấm nhuần tinh thần của tiền nhân, học theo tiền nhân, mặc dù ông là người đầu tiên chuyển thể thơ tác phẩm kinh điển này… Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tập thơ đặc biệt và độc đáo này. Trân trọng!
Nhà phê bình văn học
Lam Nguyên